Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Kỷ niệm 20 năm di động Viettel: Vui buồn chuyện nối sóng trên miền biên cương

Hoa Mai - Viettel Quảng Trị đã đăng lúc 16:00 - 04.09.2024

Đakrông là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Trị, đặc thù dân số 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình miền núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Để nối thông tin liên lạc đến với mọi người dân, đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa… những người lính Viettel Quảng Trị đã trải qua hành trình vô cùng gian nan, vất vả bằng sự nỗ lực gấp nhiều lần cho thanh âm alo kết nối được vang lên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Những ngày vất vả mà vui

Đakrông - một trong 62 huyện nghèo nhất nước thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngần ấy, đủ hình dung đến sự khó khăn, nhất là thời điểm hơn 10 năm trở về trước. Trong khó khăn chung của mảnh đất chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, Đakrông còn có địa hình vô cùng hiểm trở. Câu chuyện nối sóng di động đến địa bàn này như cổ tích có thật đối với những người lính Viettel Quảng Trị.

Kí ức anh Hồ Công Bình – người từng có quãng thời gian khá dài “cắm bản” trong vai trò quản lý như những thước phim quay chậm. “Chuyện bán hàng phát triển thuê bao ở Đakrông hơn 10 năm về trước có nhiều vui, buồn đan xen. Vui vì sự nỗ lực của những người lính Viettel đã mang đến sự kết nối, liên lạc hỗ trợ bà con nhân dân rất nhiều trong đời sống. Buồn vì trên hành trình ấy có nhiều khoảng lặng của sự khó khăn, vất vả, có những giọt mồ hôi mặn chát lặng lẽ rơi xuống trên những cung đường vượt rừng, băng suối đi phát triển thuê bao”.

Những nhân viên bán hàng Viettel Đakrông băng rừng, lội suối mang di động đến với bà con miền biên giới

Ở Quảng Trị, Viettel Đakrông ra đời sau các Trung tâm huyện (TTH) khác, Mãi đến năm 2006, sóng di động Viettel mới đặt dấu ấn của mình ở miền biên viễn này. Đakrông có địa hình hiểm trở, 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Để đưa được dịch vụ di động đến nhiều xã xa, anh em phải sắp xếp lên đường sớm trước một ngày.

“Đakrông không thể bê nguyên cách làm các huyện đồng bằng là bán hàng hộ dân mà ngay từ đầu TTH dựa vào chính quyền sở tại để nhờ giới thiêu những cá nhân có uy tín với cộng động, thông thạo về địa bàn để tuyển dụng làm kênh bán, cũng như địa điểm bán hàng thường xuyên. Họ có thể là giáo viên cắm bản, cán bộ xã đoàn, hay chiến sỹ các đồn biên phòng… Cách làm này vừa đảm bảo trong việc quản lý tài chính, doanh thu, vừa được khách hàng tin tưởng vào người Viettel. Đồng thời, các cộng tác viên (CTV) này cũng là cầu nối giúp TTH tiếp cận với các gia làng, trưởng bản một cách thuận tiện”, anh Bình kể.

Dần dần, những CTV này trở thành địa chỉ như là một điểm chăm sóc khách hàng, tiếp nhận những khiếu nại, thắc mắc hay nhận đơn hàng cho những chiếc sumo, homephone cho các lần đi bản tiếp theo. Nhờ đó, sản lượng bán ra luôn đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch cũng như phát triển thuê bao.

Những vất vả lặng thầm!

Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc bán hàng, phát triển thuê bao ở nơi này cũng thuận tiện. Việc bảo hành và chăm sóc sau bán ở địa bàn miền núi vô cũng khó khăn. Có những câu chuyện cười ra… nước mắt. Nhiều bà con lần đầu sử dụng điện thoại không biết ấn phím tắt nên cuộc gọi kéo dài trừ tiền nhiều dẫn đến khiếu nại. Những khách hàng ở xa thường xuyên lên nương rẫy, quá hạn sim bị hủy họ lại mang đến “bắt đền” TTH hoặc bảo: “Con cho bố đổi sim khác”. Đó là chưa kể, nhiều khách hàng chỉ đủ tiền mua... nửa cái sumo, vì muốn có máy dùng nên bà con bảo: “Con cho mẹ gán thêm con gà”, “Cho bố đổi thêm xâu cá suối vừa bắt được này đi”…

Để bán được hàng, nhân viên tiếp cận bà con mọi lúc, mọi nơi. Những nhân viên nam của Viettel Đakrông đeo ba lô, lội suối, cùng lên rẫy với bà con để bán hàng. Vừa nhanh tay giúp bà con trỉa ngô, tuốt lúa, làm cỏ, vừa giới thiệu dịch vụ. Phơi nắng suốt ngày trên rẫy, tối về soi gương giật mình khi thấy phản chiếu trong gương hình ảnh chàng thanh niên da đen thui, đầu tóc quăn queo vì nắng cháy!

Có những chuyến đi thì xe đột ngột hết xăng hoặc thủng săm, phải dắt xe máy đi bộ hàng chục km, lên dốc xuống suối mới tìm thấy điểm vá xe hay đổ xăng. Bữa ăn ngày bán hàng của nhiều anh em thường là mì tôm trường kỳ mang theo. Vào bản, xin bà con thêm tô nước sôi thế là qua bữa.

Niềm hạnh phúc của bà con khi lần đầu nghe điện thoại alo

Anh Bình bảo: “Ngày đó, vất vả nhưng vui vì ai cũng nghĩ mình đã làm được một việc gì đó cho đơn vị mình, mang đến cho bà con nhiều điều có ích. Sau này, khi đường sá giao thông được mở, nhiều bản làng có điện sinh hoạt, cơ sở vật chất được đầu tư, nhân viên bán hàng Viettel cũng theo đó đỡ vất vả hơn”.

Viettel chia nửa khó khăn với người Trạm trưởng y tế

Trong kí ức của bác sĩ Trịnh Đức Thiện – Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông), chiếc điện thoại homephone của Viettel xuất hiện gần 15 năm trước là “di sản” tuyệt vời giúp bao nhiêu ca bệnh nặng ở miền biên cương giáp biên giới nước bạn Lào này thoát khỏi ải tử thần. “Tôi nhớ Viettel là nhà mạng đầu tiên có mặt ở xã biên giới này. Hồi ấy, khoảng năm 2011, Trạm được cấp một chiếc homephone. Ngày đó, giao thông không thuận tiện như bây giờ. Đến bản làng nào cũng đi bộ, đi ngựa. Mỗi lần có ca bệnh ốm đau hay vượt cạn đều phải đợi người thân của họ chạy bộ đến Trạm gọi bác sĩ rồi từ đó bác sĩ lại đi bộ ngược vào bản đó để cứu người. Có nhiều ca bệnh nặng, Trạm bố trí người cáng võng mất gần một ngày đường ra đến Trung tâm y tế đặt ở xã Tà Rụt, từ đó mới có cách xử lý tại chỗ hoặc lại tiếp tục đưa bệnh nhân ra Trung tâm huyện. Đường sá xa xôi nên cực kỳ vất vả và có nhiều sự cố do điều kiện khách quan đã xảy ra. Đau nhưng cũng đành bất lực. Khi có chiếc homephone của Viettel thì chỉ cần một cuộc gọi ra bên ngoài, các điều kiện được chuẩn bị sẵn sàng nên khi bệnh nhân ra đến nơi là được điều trị hoặc chuyển đi ngay”, bác sĩ Thiện nói.

Bác sĩ Trịnh Đức Thiện – Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại

Mạng lưới trạm phát sóng dần được Viettel xây dựng, phủ sóng đến các bản làng xa. Người dân sắm thêm chiếc điện thoại di dộng để liên lạc nên công việc khám chữa bệnh cũng thuận tiện hơn. Bác sĩ Thiện bảo, bây giờ chỉ cần một cuộc gọi của bà con là chúng tôi có mặt. Thậm chí, việc khám chữa bệnh, sơ cấp cứu cũng được hướng dẫn trực tiếp bằng điện thoại di động. Hướng xử lý được đưa ra rất nhanh. Bà con dần tin tưởng, hễ ốm đau lại bật máy gọi: “Bác Thiện ơi!”.

Từ ngày có di động, bác sĩ Thiện luôn để chế độ chuông 24/24. “A Vao bây giờ có 6 thôn bản, sóng Viettel đã phủ tới khắp nơi. Nửa đêm, rạng sáng, hễ có điện thoại là lại dậy để đi. Mình vất vả một tí nhưng đem đến niềm vui cho bà con. Tròn 26 năm “cắm bản”, ngót hơn nửa thời gian ấy, sóng di động Viettel như người bạn đồng hành cùng tôi, trên mọi nẻo đường khám chữa bệnh”, bác sĩ Thiện nói.

#20namViettelKDdidong

Đào Thị Hoa Mai – 066155 – Viettel Quảng  Trị

592 | 14 Bình luận | 25 Thích