Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Viettel phải có ước mơ lớn’

Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:57 - 24.10.2024

Làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thống nhấn mạnh vai trò của Tập đoàn với đất nước, từ đó đặt những mục tiêu cao để tổ chức lớn mạnh.

Từ giữa tháng 9 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì lần lượt làm việc với VNPT, Mobifone và Viettel để tháo gỡ vướng mắc đồng thời trao đổi, gợi mở cách tiếp cận mới nhằm cộng hưởng sức mạnh từ các tập đoàn viễn thông lớn của đất nước hướng đến hoàn thành chiến lược quốc gia về chuyển đổi số.

Bộ trưởng khẳng định nếu 3 doanh nghiệp viễn thông chủ lực không phát triển thì ngành Thông tin và Truyền thông sẽ không phát triển, đất nước sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số - động lực chính để Việt Nam phát triển. Trong đó, hạ tầng số được coi là hạ tầng chiến lược, đứng ngang với hạ tầng điện, giao thông.

Buổi làm việc với Viettel diễn ra vào ngày 18/10 tại trụ sở Bộ TT&TT, với sự tham gia của các Thứ trưởng, lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Bộ. Phía Viettel có Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng, Phó TGĐ Đỗ Minh Phương, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Tập đoàn.

ADS_1974

Ước mơ phải lớn

Chia sẻ về chuyến công tác Phần Lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những quốc gia phát triển có lợi thế rất mạnh về nghiên cứu, phát triển và đổi mới nhưng thường “ngại đi ra toàn cầu”.

Trong khi đó, các nước đang phát triển như Việt Nam lại luôn có sự hăng hái, khát khao vươn lên. Đưa ra nhận thức mới là có thể “biến nước giàu thành khách hàng của mình”, Bộ trưởng cho rằng Viettel, thay vì nghĩ mình đi sau, nhỏ bé, hạn chế hơn các nước phát triển thì nỗ lực tìm cách khai thác, phát huy sức mạnh toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế để giải những bài toán lớn và khó. Theo Bộ trưởng, các nước phát triển thì thường nghĩ những công nghệ, giải pháp quy mô lớn, nhưng thiếu chuyên sâu. Họ cũng thích hưởng thụ thành quả hơn là sáng tạo và lao động. Đây là yếu tố mà một quốc gia như Việt Nam có thể tận dụng để phát triển các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ bán cho các nước phát triển.

Soi chiếu quan điểm từ bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9 và Nghị quyết về chuyển đổi số đang được Bộ Chính trị xem xét, chuẩn bị ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tầm vóc, vị thế của Viettel hiện nay và đề nghị “Nhìn vào mục tiêu quốc gia, Viettel phải đặt ra mục tiêu cho Tập đoàn để phấn đấu trong giai đoạn tới”.

[additional-info-form quotes_author="Viettel, thay vì nghĩ mình đi sau, nhỏ bé, hạn chế hơn các nước phát triển thì nỗ lực tìm cách khai thác, phát huy sức mạnh toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế để giải những bài toán lớn và khó" name_author="Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng" select_display_location="left"][/additional-info-form]

Cụ thể hơn, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đưa GDP bình quân đầu người từ vị trí thứ 120 lên 95 trên thế giới. Riêng về chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử, kinh tế số - tức vượt lên trên nền kinh tế của cả nước.

Và theo Bộ trưởng, Viettel hiện đang là tập đoàn viễn thông - CNTT số 1 Việt Nam thì các mục tiêu của Viettel ít nhất phải cùng nhịp với đất nước, nếu không muốn nói là sẽ phải bứt phá hơn. Muốn Việt Nam vào top 50, thì Viettel phải vào Top 30 hoặc 40 các doanh nghiệp công nghệ số toàn cầu. Trong viễn thông, có 1 quy luật, “dừng đầu tư nghĩa là chết”. Đã có nhiều bài học cả trong nước và nước ngoài chứng minh quy luật này. Chính quyền các cấp đã tăng gấp đôi chi tiêu cho chuyển đổi số thì Viettel cũng phải tăng gấp đôi ngân sách không chỉ cho viễn thông mà còn cho phát triển hạ tầng số và nghiên cứu ứng dụng công nghệ số.

ADS_2400-2

Để tổ chức bền vững, Viettel phải đổi mới cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, đưa tỷ trọng doanh thu từ viễn thông xuống dưới 30% và nhanh chóng đẩy các ngành khác cao hơn để không phụ thuộc quá nhiều vào dịch vụ truyền thống.

“Viettel hãy cố gắng lấy đà tăng trưởng 2 con số”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng.

Trong nhà trước, toàn cầu sau

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết về Chuyển đổi số nêu rõ cấp ủy Đảng các cấp phải có tỷ lệ cán bộ về lĩnh vực này.

Trên cơ sở đó, Viettel cần đảm bảo cơ cấu tỷ lệ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ nòng cốt về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 50% đối với các cơ quan, đơn vị công nghệ và khoảng 30% đối với đơn vị không công nghệ. Nếu nguồn lực hiện tại chưa đáp ứng, Tập đoàn có thể tổ chức đào tạo hoặc cử nhân sự đi đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức về chuyển đổi số.

Cùng với đó, Bộ trưởng gợi ý Viettel nên xem xét đánh giá, ghi nhận xứng đáng những người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, điều hành, dẫn dắt các dự án chuyển đổi số và mang lại kết quả tốt, tạo ra thay đổi tích cực cho tổ chức của chính mình, từ đó bồi dưỡng làm hạt nhân lãnh đạo trong Tập đoàn.

Từ một hiệu sách trực tuyến, Amazon vươn mình trở thành một đế chế thương mại điện tử khổng lồ nhưng quyết định mang tính bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi số của Amazon khiến công ty quyết định đầu tư vào hạ tầng công nghệ là để phục vụ cho chính nhu cầu tự động hóa trong nội bộ trước, sau đó thấy hiệu quả và tiềm năng lớn nên tiếp tục mở rộng cung cấp thành dịch vụ điện toán đám mây AWS như ngày nay.

Bo truong lam viec voi CBQL Viettel-1

Nhắc lại ví dụ kinh điển trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Amazon hay các doanh nghiệp công nghệ vĩ đại nhất trên thế giới đều xuất phát từ những việc làm cho chính mình trước.

Tương tự như vậy, Viettel phải áp dụng công nghệ số vào mọi hoạt động trong Tập đoàn, để công nghệ số thực sự trở thành một lực lượng sản xuất chính, công cụ chính, tài nguyên - dữ liệu chính của Tập đoàn. Sau khi làm tốt cho mình rồi thì mang ra kinh doanh, biến thành thuê bao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cho “nhà mình” rất giống chuyển đổi số cho toàn cầu nên việc trước tiên cần làm là chuyển đổi số tốt cho chính nội bộ Viettel.

[additional-info-form quotes_author="Amazon hay các doanh nghiệp công nghệ vĩ đại nhất trên thế giới đều xuất phát từ những việc làm cho chính mình trước." name_author="Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng" select_display_location="right"][/additional-info-form]

“Viettel phải đi đầu về ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi số có thể thay đổi cơ chế hoạt động trong nội bộ như lương, phân cấp ủy quyền, đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát,… để giải phóng nguồn lực cho tổ chức. Nhiều khi một thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự phát triển lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đi trước, nhìn xa và dẫn dắt

Hiện nay, thế giới nói nhiều về trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng cách hiểu không giống nhau. Chuyển đổi số, đầu tiên là số hóa, đưa công việc - kể cả việc hàng ngày lên môi trường số, sau khi có dữ liệu thì dùng AI để xử lý, phân tích để tạo ra sự tối ưu và giá trị cho tổ chức.

AI được coi là công nghệ quan trọng nhất của cách mạng 4.0, Viettel muốn phát triển AI thì phải đi đầu về ứng dụng AI, phải “AI hóa” các hoạt động trong nội bộ Tập đoàn.

Bí quyết chuyển đổi số thành công là làm chủ công nghệ số. Để nó trở thành công cụ chính và phát triển dựa vào nó thì phải làm chủ nó.

[additional-info-form quotes_author="Viettel đang dẫn đầu thì phải đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ hiện đại. Mục tiêu phải cao để tổ chức không ì ạch" name_author="Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng" select_display_location="right"][/additional-info-form]

5G là ví dụ. Theo Bộ trưởng, Viettel phải đặt mục tiêu chiếm ít nhất 20% thị trường Việt Nam. Nếu thiết bị của Viettel đạt chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, mức giá phù hợp, Bộ có thể xem xét ra quy định để các doanh nghiệp khác trong nước lựa chọn sử dụng, đặc biệt là phần mạng lõi.

Về 6G, dự báo Hàn Quốc sẽ sản xuất được thiết bị vào năm 2028. Bộ trưởng định hướng Viettel nên nghiên cứu để chỉ 1 năm sau, Việt Nam cũng có thiết bị 6G để thử nghiệm.

Về chip bán dẫn, Viettel cần khẳng định là doanh nghiệp số 1 về bán dẫn. “Đây mới là làm chủ thực sự, là tầng đáy của công nghệ. Bán dẫn sẽ mở ra cho Viettel 1 chân trời mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Viettel làm chủ các công nghệ mới khác như AI, Cloud.

“Viettel đang dẫn đầu thì phải đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ hiện đại. Mục tiêu phải cao để tổ chức không ì ạch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bo truong lam viec voi CBQL Viettel-4

Về hạ tầng viễn thông, Viettel đã làm rầm rộ mạng 4G với quy mô phủ sóng 45.000 trạm BTS để tạo nên sự bùng nổ thì đến mạng 5G, sau giai đoạn đầu với 6.500 trạm, Viettel cần tiếp tục đi đầu, đi trước, nhìn xa và dẫn dắt, thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng đầu tư hạ tầng 5G, qua đó đất nước và người dân được hưởng lợi ích từ chuyển đổi số.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Viettel quan tâm nghiên cứu triển khai một số dự án mới như nền tảng phổ cập chữ ký số cho thuê bao của mình, tiên phong số hóa cho ngành y tế, đề án về bác sĩ AI,…

“Thay vì cạnh tranh với doanh nghiệp khác, Viettel hãy vượt lên trước, đặt mình ở tầm cao hơn là xung phong xây dựng các nền tảng để các doanh nghiệp khác “đứng trên lưng mình”, sẵn sàng làm những việc lớn để giúp đất nước phát triển và giúp chính Viettel phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò đi đầu, dẫn dắt của Tập đoàn.

Với Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về 4 chu kỳ 10 năm với những sứ mệnh khác nhau.

10 năm đầu tiên, Viettel dẫn đầu về xây dựng, lắp đặt hạ tầng.

10 năm thứ hai, Viettel dẫn đầu về viễn thông

10 năm thứ ba, Viettel dẫn đầu về công nghiệp công nghệ cao

Và thế hệ lãnh đạo, CBNV Viettel hiện nay đang gánh vác phát triển Viettel ở chặng đường 10 năm thứ tư.

“Đó là 10 năm của công nghệ. Viettel hãy tiếp tục làm tốt sứ mệnh dẫn dắt của mình để đóng góp nhiều hơn cho ngành, cho đất nước và để vượt lên trên các thế hệ đi trước”, Bộ trưởng gửi gắm niềm tin ở Viettel.

904 | 0 Bình luận | 4 Thích